DẠY HỌC TIẾP CẬN NĂNG LỰC

Mỗi học sinh là một cá thể độc lập với sự khác biệt về năng lực, trình độ, sở thích, nhu cầu và hoàn cảnh xuất thân.

DẠY HỌC TIẾP CẬN NĂNG LỰC

Mỗi học sinh là một cá thể độc lập với sự khác biệt về năng lực, trình độ, sở thích, nhu cầu và hoàn cảnh xuất thân. Chính vì vậy không thể áp dụng một phương pháp dạy học cho tất cả học sinh mà cần phải tìm ra được những cách tiếp cận phù hợp với mỗi cá nhân người học. Sao cho học sinh gắn kết giữa bài học, áp dụng kiến thức học được vào cuộc sống. Thích ứng với những thay đổi. Đó chính là dạy học phát triển năng lực. Dạy học phát triển năng lực còn giúp một số học sinh đẩy nhanh tốc độ hoàn thành chương trình học, tiết kiệm thời gian và công sức cho việc học tập. Việc chuyển từ dạy học tiếp cận nội dung sang dạy học tiếp cận năng lực là cần thiết.

Để triển khai việc dạy học phát triển năng lực, trường Tiểu học Chu Văn An quận Tây Hồ thành phố Hà Nội đã giao quyền chủ động cho giáo viên trong việc:

1/ Tìm hiểu về năng lực, trình độ, sở thích, nhu cầu và hoàn cảnh xuất thân của học sinh.

2/ Phân loại đối tượng học sinh.

3/ Chủ động xác định mục tiêu, lựa chọn nội dung, phương pháp, cách thức, lựa chọn đồ dùng dạy học phù hợp cho từng cá nhân học sinh.

4/ Khai thác các thế mạnh của công nghệ cho việc dạy và học.

Trong thời gian qua, giáo viên trường Tiểu học Chu Văn An đã không còn áp dụng một phương pháp dạy học chung cho cả lớp mà đã dùng các phương pháp dạy học khác nhau cho các đối tượng khác nhau. Chính vì vậy học sinh thích học, biết cách tự học, có thói quen tự học, học tập hiệu quả. Đặc biệt học sinh thấy hạnh phúc khi đến trường.

 

Giờ học Lịch sử lớp 5E

Giờ học Lịch sử lớp 5E

Giờ thực hành môn toán lớp 5E

 

Tuy nhiên, để triển khai một cách hiệu quả dạy học phát triển năng lực cần phải:

1/ Xác định năng lực nào cần hình thành cho học sinh và có minh chứng cho các năng lực đó khi học sinh học hết bậc tiểu học. Điều này có nghĩa là chúng ta phải xác định các năng lực một cách rất rõ ràng, cụ thể, không thể chung chung, đại khái. Đặc biệt khi xác định năng lực hình thành cho học sinh cần lấy nhu cầu của xã hội tương lai làm cơ sở.

2/ Xây dựng cách đánh giá phù hợp, tin cậy để đảm bảo đo lường được một cách chính xác năng lực của học sinh.

3/ Giúp giáo viên có nhận thức đúng đắn vai trò của dạy học phát triển năng lực.

4/ Thay đổi vai trò của giáo viên từ “một nhà cung cấp kiến thức” đến “người hướng dẫn, đồng hành” để có sản phẩm “đồng kiến tạo”. Giáo viên làm việc với học sinh, hướng dẫn học sinh học tập, trả lời các câu hỏi, thảo luận, giúp học sinh chủ động, tích cực, sáng tạo trong học tập, tổng hợp, áp dụng kiến thức vào cuộc sống.

Dạy học tiếp cận năng lực tạo điều kiện quản lý chất lượng theo kết quả đầu ra đã quy định, nhấn mạnh năng lực vận dụng của học sinh. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục không chỉ được đánh giá bằng kết quả đầu ra mà còn phụ thuộc quá trình thực hiện. Chính vì vậy, nếu dạy học không chú ý đến nội dung học thì có thể dẫn đến học sinh hổng kiến thức cơ bản.

 

Lê Thị Liên

                                                                   Trường Tiểu học Chu Văn An

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *